Nghi vấn Nguyễn_Thị_Bích_Châu

Khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, trong tác phẩm Truyền kỳ tân phả của mình, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dành nhiều tâm huyết để viết thiên truyện "Đền thiêng ở Hải Khẩu"; đó là câu chuyện về Cung phi Nguyễn Thị Bích Châu của Trần Duệ Tông, và từ đây chính là bắt nguồn người đời đặt nghi vấn tính tồn tại của Bích Châu.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Na trong một công trình nghiên cứu công phu và có nhiều phát hiện về "Truyện ngắn trong sự phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại", đã đối chiếu các tình tiết trong trục chính của cốt truyện với chính sử Việt Nam (Đại Việt sử ký toàn thư), phần Trần Duệ Tông và phần Lê Thánh Tông, và đi đến một nhận xét rằng: “Mọi chi tiết trong truyện Đền thiêng cửa bể của Đoàn phu nhân đầu thế kỷ XVIII đều “khớp” với lịch sử, chính xác đến từng năm, từng tháng và kể cả thời tiết... của thế kỷ XIV - XV”. Một đoạn đánh giá có nói:

Nhưng Đoàn Thị Điểm không làm sử, bà viết truyện, tất cả các sự thật lịch sử chỉ là chất liệu để bà xây dựng truyện; bà thêm bớt chi tiết, chuyển đổi hình thức các sự kiện... nhằm thực hiện ý tưởng thẩm mỹ, làm cho câu chuyện sinh động.

Như vậy Đền thiêng ở Hải Khẩu là tác phẩm viết về “việc thật người thật”? Tuy nhiên nhân vật chính của tác phẩm - cung nhân Nguyễn Thị Bích Châu và bài Kê minh thập sách có giá trị tư tưởng to lớn mà bà dâng lên vua Duệ Tông lại chưa tìm được dấu vết trong các sử sách về đời Trần. Hồng Hà nữ sĩ đã hư cấu nên nhân vật Bích Châu để chuyển tải tư tưởng của bà chăng, hay nàng cung nhân xinh đẹp và trí tuệ ấy là nhân vật lịch sử có thật?

Cách đây hai chục năm, với cảm quan trực giác và căn cứ vào đặc tính của văn học trung đại (tác phẩm văn học có thể lưu giữ tác phẩm văn học khác), trong "Thơ văn Lý - Trần Tập III" (xuất bản năm 1978), Phó giáo sư Trần Lê Sáng cũng đã coi Bích Châu là một tác giả và "Kê minh thập sách" là tác phẩm của bà, dù vẫn còn đặt dưới dạng tồn nghi, nghĩa là còn cần tiếp tục đi tìm chứng cứ. Khoảng cuối thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, trong tập truyện ngắn Vườn Kỳ trong phủ chúa, “dựng lại” chân dung một số tác gia nữ thời trung đại, nhóm Trần Thị Băng Thanh cũng coi Bích Châu là tác giả, nhưng dù sao đấy cũng là viết truyện. Từ bấy đến nay, các thành viên của Nhóm thơ văn Lý - Trần cũng chưa đi xa hơn được bước nào trong việc giải đáp câu hỏi khó khăn này. Quả thực tính truyền kỳ của tác phẩm có phần khiến nhiều nhà nghiên cứu cũng như chính bản thân tôi không mấy tin tưởng vào việc tìm ra dấu vết của một nhân vật đã sống cách thời đại mình hàng gần thiên niên kỷ!

Nhưng gần đây do nghiên cứu Đoàn Thị Điểm và may mắn “gặp” được đền thờ Hải Khẩu tôi đã có một cách nghĩ khác. Kể ra căn cứ vào phong cách của Hồng Hà nữ sĩ ở Truyền kỳ tân phả (nhân vật có nguyên mẫu, gốc gác) và tục hiến tế trong thời trung đại thì cũng có thể tin vua Duệ Tông đã từng hiến tế cung nhân của mình cho thần biển để cầu sóng yên bể lặng. Cách thời Duệ Tông chưa đầy bốn mươi năm, Lê Lợi từng cũng đã hiến tế người vợ họ Phạm của mình để cầu thần giúp cho cuộc hành quân. Việc ấy được ghi trong Lam Sơn thực lục, Ngọc phả và nhiều sách khác. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi về bà với tư cách là thân mẫu vua Lê Thái Tông. Bích Châu chưa tìm được Ngọc phả, cũng không được chính sử ghi chép. Duệ Tông là một người bại trận, nhiều khả năng nhà vua đã “mất xác” ở chiến trường vì “thấp cơ” hơn một tướng Chiêm Thành. Điều đó đã là việc đáng xấu hổ, huống hồ lại còn phải “ném” cả người cung phi sủng ái của mình xuống biển để dâng hiến thần cầu sự trợ giúp cho việc ra quân? Các nhà viết sử theo quan điểm Nho gia dè dặt với những chuyện “quái, lực” và có thể bày tỏ thái độ chê trách Trần Duệ Tông bằng cách không ghi chép nhiều về ông, Bích Châu vì thế cũng vắng bóng trong sử sách? Thế nhưng ngôi đền thờ bà ở Hải Khẩu, nơi chính bà đã tự nguyện hy sinh tính mạng, cuộc sống cho việc lớn của đất nước, trải qua một thời gian dài trên sáu trăm năm, gần bằng lịch sử nền độc lập tự chủ của dân tộc, qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến đổi bể dâu cuộc đời vẫn linh thiêng, chưa bao giờ lạnh khói hương, đã chứng thực cho hành vi cao cả vì dân vì nước của bà, chứng tỏ người dân Việt vẫn ghi nhớ công tích của bà và sự giao cảm giữa tinh linh bà với dân tộc. Thực tế đó cũng nên được tin cậy và trân trọng như những dòng ghi chép của chính sử. Ngày nay ngôi đền không còn lưu giữ được những dấu vết văn hoá vật thể có từ thời Trần, nhưng thơ văn lại chứng thực cho lai lịch của nó.

Bài thơ sớm nhất nhắc đến ngôi đền Chế Thắng phu nhân là của vua Lê Thánh Tông, làm trong dịp nhà vua “Chinh Chiêm Thành” vào hai năm đầu niên hiệu Hồng Đức (1470-1471) chép trong tập "Minh lương cẩm tú": “Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa” (Hà Hoa hải môn lữ thứ). Bài thơ như sau:

Hà Hoa đáo xứ vũ sùng triêu,
Hoàn hải mang nhiên tứ vọng diêu.
Xúc thạch du du vân luyến tụ,
Bài nham húng húng lãng tùy triều.
Thủy Tiên đàm thượng yên hà cổ,
Chế Thắng từ trung thảo mộc kiều.
Túy ỷ song bồng ngâm ý phát,
Thi hoài khách tứ bội vô liêu.

Vị túc nho Đỗ Ngọc Toại đã dịch thành thơ:

Mưa mai mù mịt cửa Hà Hoa,
Ngắm biển mênh mang bốn phía xa.
Mây mến đầu non lơ lửng đứng,
Sóng theo con nước rập rờn qua.
Thuỷ Tiên đầm nọ đầy sương ráng,
Chế Thắng đền kia rực cỏ hoa.
Say tựa bên mui càng nảy hứng,
Lòng thơ dạ khách khó khuây khoa.

Bài thơ có một lời nguyên chú ghi được hai mẩu chuyện truyền tụng trong dân gian về Đầm Thủy Tiên và Chế Thắng phu nhân rằng:“Bên trái cửa biển có núi Bàn Độ (Thiên Nam dư hạ chép là Bàn Khánh), dưới chân núi có đầm nước từ các nơi đổ về, dân địa phương thường thấy hai tiên nữ từ trong đầm đi ra, lên núi chơi ở chỗ bàn đá. Chế Thắng là cung nữ của Trần Duệ Tông. Nhà vua Nam chinh, tới Kỳ Hoa gặp gió to, thuyền không qua được, nhà vua bèn trai giới bí mật cầu đảo, đặt người cung nữ ấy lên chiếc mâm vàng, để trôi trên mặt nước dâng cho thủy thần. Do có chuyện báo ơn đó, nên thường linh ứng. Người dân bèn lập đền thờ ở bên trái cửa biển. Nay trong Tự điển là Thượng đẳng thần. Vũng dưới gọi là Vũng Nàng (Loan Nương)”

Lời chú chắc không phải của chính Lê Thánh Tông mà là của người sao chép tập "Minh lương cẩm tú", nhưng bài thơ đã có thể minh chứng rằng khi Lê Thánh Tông đi qua (năm 1470 - 1471) ngôi đền đã hiện diện, nó được xây dựng từ trước và có thể người cung nhân của Duệ Tông cũng đã được phong mỹ hiệu Chế Thắng từ trước. Cho đến khi tập thơ được sao chép người ta đã thấy bà có tên trong danh sách các thần được thờ, ở cấp bậc Thượng đẳng, do triều đình quy định. Khi vua Lê Thánh Tông nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa, ngôi đền thờ Chế Thắng cỏ cây vẫn tươi tốt, điều đó cho biết ngôi đền vẫn được phụng thờ, chăm sóc chu đáo, chuyện của bà vẫn được dân chúng lưu truyền.

Cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông cách cuộc Nam chinh của Trần Duệ Tông chưa đầy một trăm năm, tấm gương hy sinh của bà và câu chuyện hiến tế bi thương hãi hùng có phần chắc vẫn còn đậm tính thời sự. Một thiết chứng như vậy cho phép tin chắc Bích Châu là một nhân vật có thật trong lịch sử. Kết luận ấy còn được củng cố thêm bằng tác phẩm của nhiều văn nhân khác trong nhiều triều đại. Ví như trên bốn trăm năm sau, dưới thời Tây Sơn, khoảng sau 1789, Ngô Thì Nhậm trên đường vào Phú Xuân, nghỉ lại ở Dinh Cầu (phía bắc sông Ranh, nay thuộc huyện Kỳ Anh), cảm nghĩ về thời cuộc cũng đã miêu tả cảnh cây cối tốt tươi nơi đền phu nhân: “Tế liễu lục thùy Tiên Thánh miếu, Trường dương thuý kết Thắng phi điền” (Bên miếu Tiên Thánh rủ nhành liễu xanh, Cây dương biếc cao, kết thành hoa tai bà phi Chế Thắng). Câu thơ có nguyên chú:“Chế Thắng phu nhân là thứ phi của Trần Duệ Tôn, có miếu thờ ở cửa biển Xích Lỗ”.

Đến Bùi Dương Lịch, câu chuyện “tục truyền” này được ghi rõ trong phần Địa chí của Nghệ An ký, mục về sông núi: “Núi Bàn Độ, ở trên bờ biển thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Hoa. Mạch từ núi Vọng Liệu đến đây thì nổi lên. Trên núi có cái đầm. Tục truyền có tiên nữ đến chơi đầm ấy. Khi Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, đi đến đó, thuyền không tiến lên được. Vua phải lấy một cung nhân cho ngồi lên chiếc mâm vàng thả xuống nước hiến cho thủy thần thì thuyền lại đi được. Nay bên núi có đền thờ Chế Thắng phu nhân”

— Luận "Nguyên mẫu Chế Thắng phu nhân"[4]

Như vậy, do là nhân vật được sáng tác ở thời sau, nên độ chính xác về thông tin sự kiện hoàn toàn lý giải được, nhưng ta có thể thấy rằng có khả năng cao Chế Thắng phu nhân chỉ là nhân vật truyền thuyết, được tô dày qua rất nhiều thần tích và câu chuyện truyền miệng, từ đó được phong thần, thờ cúng.